Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 6, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 153,5 nghìn tấn, với trị giá 247 triệu USD, tăng 82% về lượng và tăng 83% về trị giá so với tháng 5.
Tuy nhiên so với tháng 6/2023 con số này vẫn giảm 15% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá, đây là tháng thứ 3 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam qua các tháng giai đoạn năm 2022 - 2024 (Đơn vị: nghìn tấn, nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 726,65 nghìn tấn, trị giá trên 1,1 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá cao su xuất khẩu nửa đầu năm nay bình quân đạt 1.525 USD/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 6, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 71% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 489,37 nghìn tấn cao su, trị giá 717,9 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tại hội nghị sơ kết mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) thông tin, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu hợp nhất đạt 10.092 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.909 tỷ đồng tăng lần lượt 6%, 4% so với cùng kỳ. Tập đoàn dự kiến nộp ngân sách 967 tỷ đồng.
Như vậy, tính riêng quý II, doanh thu GVR ước đạt 5.507 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ . Lợi nhuận trước thuế khoảng 1.131 tỷ đồng, tăng 27% so với quý II/2023.
Tại hội nghị, ban lãnh đạo tập đoàn chia sẻ rằng hiện nay giá bán mủ cao su trên đà phục hồi, các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện đầu tư dần được khai thông.
Tuy nhiên, GVR cũng gặp nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm nay như tình hình biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ thu hoạch, tình trạng thiếu lao động cạo mủ ở một số khu vực, giá cả, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng…
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,7 triệu tấn, đồng thời giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,5 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,2 triệu tấn cao su trong năm nay, theoAgromonitor.
Không chỉ vậy, điều kiện khí hậu không thuận lợi, bệnh rụng lá và giá cao su tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất của nông dân trồng cao su.
Theo Việt Nam Biz