HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGTrái cây xuất khẩu lên cơn sốt

Trái cây xuất khẩu lên cơn sốt

Bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành sản xuất xuất khẩu rau quả vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Con số kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 1 tỉ USD vẫn chưa thể nói lên hết sức nóng hiện tại của các mặt hàng rau quả VN.
 
Giá dừa tăng mạnh trở lại sau nhiều năm bị bỏ bê
 
 Giá dừa tăng mạnh trở lại 

Trái cây "nóng" theo thời tiết!

Cứ cách vài phút, chị Tâm, thương lái thu mua thanh long tại Bình Thuận, lại truy cập tài khoản Facebook để xem có ai nhắn tin liên hệ thu vườn hay không. "Em rao tin suốt, ai có vườn thanh long trái lớn trái nhỏ, vựa em thu mua hết. Hàng đẹp, hàng dạt, hàng lỗi em cũng lấy. Nhưng bây giờ cạnh tranh khủng khiếp lắm. Mình rao vậy thôi chứ chủ vườn họ chủ động liên hệ thương lái quen, trả được giá cao mới chịu bán", chị Tâm chia sẻ.

Vào thời điểm này, thanh long chong đèn vụ nghịch đã vào cuối vụ, nguồn cung thanh long chín ở các nhà vườn trên địa bàn tỉnh không còn nhiều. Do đó, giá bán thanh long tăng cao từ khoảng 10.000 - 13.000 đồng/kg cách đây khoảng 10 ngày lên 20.000 đồng/kg, thậm chí có nơi mua 22.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng. Riêng thanh long ruột đỏ tăng từ khoảng 33.000 đồng/kg lên 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước nên nguồn cung khan hiếm, nông dân ít có hàng bán.

Ở thị trường tiêu thụ nội địa, giá thanh long cũng đang tăng lên gấp 3 lần so với bình thường. Theo Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP.HCM), giá thanh long từ Long An nhập chợ có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, thanh long Bình Thuận từ 30.000 - 37.000 đồng/kg. Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, hiện toàn tỉnh có 26.500 ha thanh long, giảm gần 1.150 ha so cùng kỳ năm 2023. Những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu lớn, giá thanh long ổn định, có thời điểm tăng cao nên người trồng có lãi. Tuy nhiên, trong tháng 3.2024 nhiều hộ tiếp tục chong đèn trái vụ nhưng thời tiết nắng nóng gay gắt, gió mạnh nên khả năng ra hoa không đạt, dẫn đến năng suất thu hoạch thấp.

Mặc dù giá bán đang tăng cao, nhưng trước diễn biến thời tiết phức tạp hiện nay và thường xuyên xảy ra tình cảnh "dội chợ", Sở NN-PTNT Bình Thuận khuyến cáo nông dân không phát triển thêm diện tích, chú trọng chất lượng sản phẩm để có giá bán cao hơn.

Dự kiến năm nay, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thanh long sẽ được hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua tham gia Hội chợ rau quả Asia Fruit Logistica 2024 (giai đoạn 2) vào tháng 9 tại Hồng Kông theo chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2024. Tiếp đó sẽ hỗ trợ DN xuất khẩu thanh long góp mặt ở hội chợ triển lãm và tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long sang thị trường Trung Quốc. Còn trong nước thì tham gia hội chợ triển lãm, kết nối giao thương với các tỉnh, TP…

Cùng lên cơn "sốt" trong thời gian gần đây là trái dừa tươi lẫn dừa khô. Trả lời Thanh Niên ngày 23.4, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, xác nhận trái dừa đang lên cơn "sốt" từ cuối năm trước và đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Nhu cầu tiêu thụ dừa khô lẫn dừa tươi đều tăng mạnh, thương lái cạnh tranh thu mua khắp nơi đẩy giá dừa trên thị trường tăng lên. Khu vực miền Tây giá dừa khô tăng 25 - 30%, giá dừa tươi tăng 15 - 20%. Ở các tỉnh miền Trung, lượng khách du lịch cũng tiêu thụ dừa khá lớn, giá dừa tại đây tăng từ 30 - 35% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng 2 năm trước khi sốt nóng, giá dừa giảm mạnh, nhiều nông dân đã phải đối mặt với những khó khăn đến mức không thể duy trì vườn. Một số gia đình thậm chí đã chuyển sang cây trồng khác. Thế nên, với giá dừa tăng mạnh lúc này, người nông dân đang phấn khởi trở lại, một số vùng dừa hữu cơ liên kết với nhà máy thậm chí được thu mua với giá 100.000 đồng/chục.

Cần sự liên kết chặt chẽ

Ông Cao Bá Đăng Khoa nhận định: "Với sự phát triển nhanh các nhà máy chế biến và nhu cầu tiêu thụ dừa tươi nhiều hơn, năng suất sản lượng dừa trong nước hiện nay còn chưa đủ đáp ứng. Thị trường Trung Quốc mặc dù chưa ký kết Nghị định thư đưa trái dừa VN vào danh sách nhập khẩu chính ngạch nhưng hiện nay đã có nhiều tiểu thương, DN Trung Quốc liên hệ mua dừa VN, đưa về nước chế biến. Sự cạnh tranh như vậy là tín hiệu tốt, nhưng về lâu dài các DN và nông dân cần liên kết, tránh trường hợp chạy theo lợi nhuận để rồi gãy đổ như 10 năm trước".

Đây cũng là bài học của mặt hàng sầu riêng. Trả lời Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, phân tích: "Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số chưa từng có của ngành rau quả VN. Có được thành tích này một phần nhờ sự đóng góp của trái sầu riêng. 2 năm qua sầu riêng có sự soán ngôi ngoạn mục, vươn lên dẫn đầu về kim ngạch và lợi nhuận cũng không loại nào so sánh được. Vấn đề hiện nay là khâu liên kết. Khi giá bán sầu riêng tăng cao, nông dân được hưởng lợi, nhưng 70% DN xuất khẩu lại thua lỗ. Điều này cho thấy sự phân phối chuỗi lợi nhuận chưa cân bằng. Nếu DN phá sản thì ai đi bán sầu riêng cho nông dân?".

 Theo ông Nguyên, tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của trái sầu riêng hiện còn rất lớn, nếu được ký kết Nghị định thư cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh thì giá trị sẽ còn tăng thêm. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng dự báo: Năm 2024, xuất khẩu mặt hàng rau quả, trong đó có sầu riêng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có thể được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 3 - 3,5 tỉ USD/năm. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu, nên kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt đến 7 tỉ USD.

Các thị trường tiêu thụ rau quả chính của VN: Về thị trường xuất khẩu, 4 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Thái Lan vẫn là nhà nhập khẩu rau quả lớn nhất của VN. Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính của rau quả VN như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Cụ thể, dẫn đầu về giá trị xuất khẩu là thị trường Trung Quốc đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc hiện đang chiếm 59,1% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành rau quả.

Các vị trí tiếp theo thuộc về thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59%; Mỹ đạt 67,7 triệu USD, tăng 30%. Đặc biệt, thị trường Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng vọt 112%.

Theo Báo Thanh Niên