Giá cao su ở các sàn giao dịch châu Á đồng loạt tăng mạnh từ tháng 8 đến nay do ảnh hưởng từ giá dầu thô và xung đột địa chính trị. Trong khi đó, thị trường cao su nội địa vẫn khá trầm lắng từ đầu năm đến nay.
Giá cao su tại nhiều sàn giao dịch chủ chốt châu Á đang trong xu thế tăng mạnh kéo dài từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 10.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (Nhật Bản), hôm 10/10 giá cao su loại RSS3 giao sau ở mức 240 Yên/kg (tương đương 1,6 USD/kg), tăng 25% so với đầu tháng 8.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ đến ngày 9/10. Sau khi giao dịch trở lại, giá cao su tăng nhẹ 1,8% so với cuối tháng trước lên 12.810 Nhân Dân Tệ/tấn (tương đương 1,75 USD/kg). Mức giá này tăng 10% so với đầu tháng 8.
Tại Thái Lan, giá cao su cũng tăng khoảng 16% trong cùng giai đoạn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lý giải giá cao su thế giới tăng thị trường lo ngại xung đột ở Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn vận tải biển và phí vận chuyển cao hơn.
Các công ty lốp xe có khả năng tăng dự trữ cao su, do đó đẩy nhu cầu cao su tự nhiên lên cao.
Ngoài ra, trong báo cáo mới đây, tập đoàn tài chính Nhật Bản Japan Exchange Group nhận định đà tăng giá cao su trên hầu hết sàn giao dịch châu Á vừa qua được thúc đẩy bởi lực mua vào của các quỹ và giới đầu cơ. Thị trường tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm phục hồi nhờ các đợt giảm lãi suất gần đây, đi kèm với các biện pháp khác của chính phủ.
“Các nhà quản lý quỹ đổ xô mua hợp đồng cao su tương lai dẫn đến sự phục hồi lớn trên các sàn giao dịch Nhật Bản và quốc tế. Có thời điểm giá cao su tại sàn Osaka tăng vọt 25% do người bán gặp khó khăn trong việc mua lại khi thanh khoản thị trường thấp. Đồng thời việc chuẩn bị cao su vật chất cũng khó khăn hơn”, Japan Exchange Group cho biết.
Mưa lớn tại các quốc gia trồng cao su lớn cũng góp phần thúc đẩy giá cao su giao ngay.
Một yếu tố khác đẩy giá cao su tăng là do giá dầu thô giữ ở mức cao, nhất là sau khi căng thẳng khu vực Trung Đông bùng nổ. Tính đến ngày 16/10, giá dầu Brent quanh mức 91 USD/thùng, tăng 10% so với đầu tháng 8 và đang tiến dần đến mức đỉnh gần 1 năm.
Giá dầu thô tăng đồng nghĩa chi phí nguyên liệu cho sản xuất cao su tổng hợp tăng theo. Điều này khiến nhu cầu một phần chuyển sang cao su tự nhiên để thay thế cho cao su tổng hợp.
Trả lời trang Nikkei Asia, đại diện một công ty kinh doanh cao su cho biết: “Một số nhà sản xuất đang tăng cường sử dụng cao su tự nhiên trong một số sản phẩm”. Các nhà đầu cơ đang đặt cược rằng giá dầu thô cao hơn cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên.
Giá cao su nội địa không mấy thay đổi
Trái với diễn biến của thế giới, giá cao nguyên liệu của Việt Nam gần như đi ngang trong năm nay. Theo dữ liệu từ Wichart, giá cao su nguyên liệu trung bình tại Bình Phước, tính đến ngày 13/10, ở mức 275 đồng/TSC tăng nhẹ 4% so với đầu tháng 8 và không đổi so với đầu năm.
Diễn biến giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước từ năm 2021 đến 13/10/2023 (Đơn vị: đồng/TSC, nguồn: Wichart)
Một chuyên gia phân tích cho biết giá cao su nguyên liệu của Việt Nam vẫn “lặng sóng” dù thị trường thế giới tăng mạnh bởi hoạt động tiêu thụ vẫn yếu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá cao su xuất khẩu liên tục giảm sâu tác động đến giá nguyên liệu trong nước.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng cao su xuất khẩu trong tháng 9 đạt 193 nghìn tấn, giảm 13% so với tháng 8 và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Luỹ kế 9 tháng, lượng xuất khẩu gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch giảm 18%. Nguyên nhân là giá xuất khẩu trung bình giảm.
Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Nhu cầu cao su của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Đồng thời, giá cao su nhập khẩu của thị trường vẫn trong xu hướng giảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ 81% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu 627 nghìn tấn cao su trong tháng 9, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, lượng cao su nhập khẩu tăng 13% nhưng kim ngạch giảm 10%, do giá nhập giảm 21%.
Do đó, thị trường trong nước đang chờ đợi sự phục hồi tiêu thụ cao su của Trung Quốc.
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700-1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.
PHÒNG KDXNK