HomeTIN TỨCTHỊ TRƯỜNGNăm 2024, xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt 2 - 2,5 tỷ USD

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt 2 - 2,5 tỷ USD

Nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng xuất khẩu sầu riêng đạt 2 - 2,5 tỷ USD.

Theo ghi nhận tại khu vực Tây Nam bộ, sầu riêng Ri6 đẹp tháng 09/2023 có giá khoảng 55.000 - 59.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 xô có giá khoảng 45.000 - 52.000 đồng/kg, đi ngang so với ngày trước đó.

Tại khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, sầu riêng Ri6 đẹp tháng 09/2023 có giá khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 xô có giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, đi ngang so với phiên trước.

xuất khẩu sầu riêng
Dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm 2024 sẽ đạt con số 2 - 2,5 tỷ USD

Sầu riêng Thái loại đẹp tháng 9/ 2023 ghi nhận giảm 5.000 đồng/kg so với ngày 4/9 và hạ xuống mức 80.000 - 85.000 đồng/kg. Cùng lúc, giá sầu Thái mua xô cũng ghi nhận giảm 5.000 đồng/kg, hiện được thương lái thu mua tại mức 70.000 - 78.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá sầu riêng Thái (hai loại đẹp, chọn và mua xô) được ghi nhận chung ở các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Trong khi đó, tại Đắk Lắk, sầu riêng bắt đầu rộ vụ thu hoạch. Các thương lái, cò sầu riêng tỏa đi khắp các vườn để chốt hàng với giá cao. Theo các nhà vườn, hàng Ri6 có thời điểm tăng lên 60.000 - 62.000 đồng/kg, hàng Thái giá 90.000 đồng/kg.

Còn Đắk Nông, một số khu vực đã bước vào cuối vụ thu hoạch nhưng giá vẫn không ngừng tăng. Hiện, giá sầu riêng Thái "nhảy" lên mức 90.000 - 100.000 đồng/kg tuỳ loại.

Trước đó, thời điểm đầu tháng 8/2023, sầu riêng Thái được thu mua tại vườn với giá 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, giá sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên tăng cao kỷ lục. Nguyên nhân do, hiện tại, duy nhất nước ta còn sầu riêng để thu hoạch, các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia đã hết mùa.

"Đây là lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Các quốc gia khác chỉ có một mùa sầu riêng nhất định trong năm, còn ở Việt Nam rải vụ, cho thu hoạch cả năm", ông Đặng Phúc Nguyên cho hay.

Cụ thể, vụ sầu riêng ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3, khu vực Tây Nam bộ vào chính vụ và kéo dài đến tháng 5; tháng 4 - 7 là thời điểm sầu riêng chính vụ ở khu vực miền Đông Nam bộ; từ tháng 7 - 10 là chính vụ của khu vực Tây Nguyên; từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây cho thu hoạch.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng thu về gần 1,3 tỷ USD, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của các loại rau quả. Với đà xuất khẩu này, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, xuất khẩu sầu riêng nhiều khả năng mang về 1,6 -1,7 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu lên tới vài tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc cũng đã thử nghiệm trồng sầu riêng tại Hải Nam. Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh loại quả này.

Về việc này, ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá, việc Trung Quốc trồng sầu riêng chưa chắc đã có trái, và có trái chưa chắc đã ngon. Bởi lẽ, cây sầu riêng kén chọn thổ nhưỡng, khí hậu, nắng quá hay mưa nhiều quá đều không được. Sầu riêng trồng ở vùng không có nước sẽ rất khó. Trung Quốc trồng ở Hải Nam, đây là khu vực gánh chịu nhiều cơn bão, cây rung lắc sẽ khó đậu và giữ quả. Muốn thành công cũng phải mất 10 năm.

“Sầu riêng Philippines, Thái Lan chỉ có theo mùa, còn Malaysia mới chỉ được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc hàng đông lạnh. Nếu chúng ta làm tốt khâu vùng trồng cũng như đóng gói, 10 năm tới nước ta không cần lo lắng về thị trường cho sầu riêng”, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định.

Nếu sang năm 2024, sầu riêng Việt Nam có thêm nhiều mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp, khả năng xuất khẩu sầu riêng đạt con số 2 - 2,5 tỷ USD.

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện nay, Thái Lan đang chặt bỏ măng cụt nhiều để chuyển sang trồng sầu riêng. Campuchia cũng trồng sầu riêng. Việt Nam không trồng sẽ mất cơ hội.

Sầu riêng Việt Nam ưu thế là có quanh năm. Thêm nữa, chúng ta có lợi thế về thời gian vận chuyển. “Nhất cự ly, nhì tốc độ”, quãng đường vận chuyển gần nên chi phí logistics đưa sầu riêng sang Trung Quốc của nước ta rẻ hơn nhiều các đối thủ Thái Lan và Malaysia.

Hàng sầu riêng Việt Nam không chỉ cạnh tranh về chất lượng mà cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan cả về giá.

Thị trường sầu riêng toàn thế giới phải vài chục tỷ USD. Riêng thị trường Trung Quốc, mấy năm trước họ nhập 4 tỷ USD/năm, con số này còn tăng bởi trước đó họ chủ yếu lấy hàng Thái Lan (Thái Lan cung cấp 90% cho thị trường Trung Quốc).

Độ hấp thụ thị trường với trái sầu riêng tại thị trường này vẫn lớn, bởi lượng sầu riêng trước đây họ nhập khẩu từ Thái Lan chỉ phục vụ được nhu cầu cho khoảng 200 - 300 triệu người. Hay nói cách khác, chỉ một bộ phận người tiêu dùng ở Trung Quốc được ăn sầu riêng do giá thành loại quả này đắt đỏ.

Với thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, sầu riêng Việt Nam chất lượng, giá cả phải chăng sẽ phục vụ được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.

PHÒNG KD XNK