Một vườn cao su trồng xen rau xanh ở Dakruco
Nhưng cái khó không bó được cái khôn, qua tham quan, học hỏi những mô hình sản xuất của các Công ty cao su bạn và sự năng động của Ban lãnh đạo, Công ty Dakruco đã mạnh dạn áp dụng mô hình hàng kép, cây cao su là cây trồng chính và trồng xen trong vườn cao su tái canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Khi thực hiện mô hình này ngoài việc tham qua học hỏi các mô hình, Công ty cũng đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu đặc tính thực vật học của từng loại cây trồng trồng xen. Từ đó, Công ty đã ban hành quy định về từng loại cây, khoảng cách đối với mỗi loại cây nhằm hạn chế đến mức tối đa sự ảnh hưởng của cây trồng xen đối với cây cao su.
Để thực hiện việc trồng xen các loại cây ngắn ngày, cây lâu năm trong vườn tái canh đạt hiệu quả, từ năm 2015 Dakruco có chủ trương thay đổi mô hình thiết kế mới là 2x5x15m và thực hiện cho hợp đồng trồng xen trên băng 15m giữa hai hàng cao su. Qua Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác trồng xen năm 2020 của Dakruco cho thấy: Các loại cây trồng xen không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng chính là cao su. Trong số 4.369,36 ha cao su KTCB có gần 3.171 ha đã được trồng xen canh trên băng 15m giữa hai hàng cao su. Đến nay công tác trồng xen các loại cây trong vườn cao su tái canh đã đem lại những thành quả nhất định. Bên cạnh đó Dakruco còn giao cho các chi nhánh, đơn vị thuộc Công ty chủ động linh hoạt thực hiện việc trồng xen tại đơn vị mình. Những năm qua quy mô, diện tích và chủng loại cây trồng xen với các hình thức quản lý đa dạng, phong phú bước đầu góp phần giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đặc biệt tạo thu nhập và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương tại chổ.
Vườn cao su trồng xen cà phê
Đó là một cách làm hay ở Dakruco không chỉ tăng nguồn thu cho Công ty từ hợp đồng trồng xen trong vườn cây cao su tái canh và tạo ra giá trị hàng hoá rất lớn cho xã hội cũng như tăng thu ngân sách tỉnh nhà từ cây trồng xen. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Về mức phí thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh trồng xen bình quân từ 5 triệu đồng ha/năm, như vậy mỗi năm Dakruco thu về hàng chục tỷ đồng đây là khoản thu lớn của Công ty trong điều kiện tình hình khó khăn như hiện nay, nhất là trong khi Công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại thì đây cũng là nguồn kinh phí để thực hiện tái đầu tư các vườn cao su già cỗi phải thanh lý và dần chuyển đổi cây trồng theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Việc hợp đồng hợp tác kinh doanh trồng xen trong vườn cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản Dakruco đã vận dụng theo đúng Luật Đầu tư và Luật Dân sự mang lại hiệu quả cao trên tất cả các mặt kinh tế và xã hội từ việc sử dụng đất.
Một cách làm hay nữa ở Dakruco là phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững. Ông Bùi Quang Ninh, Tổng giám đốc Dakruco cho biết: “Hiện nay, Dakruco đã chuyển đổi 526 ha diện tích vườn cao su thanh lý của Nông trường Cư Bao để triển khai thực hiện Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp”. Bên cạnh đó việc triển khai đầu tư hạ tầng: hệ thống điện, nước, đường giao thông trên vùng dự án và trực tiếp tổ chức đầu tư 157,8 ha để trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác. Công ty Dakruco cũng đã hợp đồng hợp tác kinh doanh sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp đã đạt được 3 chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn Châu Âu (EU Organic), Mỹ (USDA-NOP), Nhật Bản (JAS Organic) và có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, để các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, Dakruco đã và đang xây dựng mô hình sản xuất khép kín và truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho tất cả các sản phẩm của Công ty và tiến tới hình thành chuỗi sản phẩm khép kín, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, các loại cây trồng ở khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Dakruco nhìn chung sinh trưởng phát triển khá tốt. Chỉ tính riêng năm 2020 Dakruco đã thu hoạch được trên 3.697 tấn chuối, gần 556 tấn chanh dây… Các sản phẩm trên đã có mặt trên một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, Singapore…
Vườn cây cao su được trồng xen khoai lang
Từ sự năng động đổi mới cách sản xuất kinh doanh Dakruco đã có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ và đã đạt những thành tích rất đáng phấn khởi. Năm 2020, tổng sản lượng mủ cao su khai thác được 6.316 tấn mủ cao su quy khô, đạt 104,52 % kế hoạch, trong đó: Sản lượng từ vườn cây Công ty đạt 3.411 tấn, sản lượng từ vườn cây liên kết: 1.112 tấn và sản lượng mua ngoài: 1.793 tấn. Sản lượng mủ cao su chế biến năm 2020 thực hiện: 6.496 tấn, chủ yếu là sản phẩm cao su khối (SVR): 6.395 tấn, chiếm 98,43%... Cũng trong năm 2020 Dakruco đã xuất bán: 6.807 tấn sản phẩm cao su quy khô, có 2.822 tấn mủ xuất khẩu. Tổng doanh thu năm 2020 Dakruco là 497,65 tỷ đồng, đạt 105,40% kế hoạch. Kết quả kinh doanh toàn Công ty lãi: 29,5 tỷ đồng đạt 103,16 % kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước 20,79 tỷ đồng. Việc chăm sóc vườn cây KTCB cũng được Dakruco triển khai thực hiện đúng tiến độ. Chất lượng vườn cây loại A tăng 1,94%, loại B tăng 4,12%, loại C giảm 2%, và vườn loại D giảm 4,06%. Cũng chính nhờ việc Dakruco thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh trồng xen trong vườn cao su nên trong năm qua đã góp phần vào việc tiết giảm đầu tư cao su KTCB được 13,3 tỷ đồng và nhiều lợi ích khác.
Thu hoạch khoai tây được trồng xen ở vườn cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản
Nhờ sản xuất phát triển kinh doanh có lãi đời sống của 2.732 cán bộ công nhân viên (trong đó có 975 người chiếm 35,7% là đồng bào dân tộc) ở Dakruco được nâng lên một bước với thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/ người/ tháng. Dakruco cũng thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ dưỡng... Qua đó, Dakruco đã tạo động lực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Mạnh Tiến – Báo Nông thôn Việt