HomeTIN TỨCSỰ KIỆNCông ty cổ phần cao su Đắk Lắk: Chủ động ứng phó với tình hình mới

TIN TỨC & SỰ KIỆN

Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk: Chủ động ứng phó với tình hình mới

Trước thực trạng giá cao su bị rớt triền miên, tập thể Ban Lãnh đạo Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk (Dakruco) đã phát huy tính năng động, sáng tạo xây dựng những định hướng và giải pháp phù hợp để tự “gỡ khó” cho mình.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tháng 3/2020, lô hàng chuối đầu tiên của Dakruco đã được xuất vào thị trường Hàn Quốc. 

Những năm qua, thị trường giá mủ cao su liên tục sụt giảm đã khiến không ít doanh nghiệp ngành cao su đứng trước những thách thức khó khăn. Để tháo gỡ những khó khăn này, Dakruco đã đưa ra nhiều giải pháp để gỡ khó cho mình. Cùng với việc tái cơ cấu lại diện tích, thay đổi thiết kế trồng cao su theo mô hình hàng kép vẫn đảm bảo đúng quy trình và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đưa các giống mới có năng suất cao thay thế, Dakruco cũng đồng thời ứng ứng dụng công nghệ mới trong khai thác mủ cao su, triển khai giải pháp kỹ thuật mới; trồng xen một số cây ngắn ngày, cây dược liệu, cây công nghiệp trên vườn cao su… Đáng chú ý, được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Lắk, Dakruco đã triển khai thực hiện chuyển đổi một số diện tích cao su già cổi sang đầu tư Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp. Dự án có quy mô hơn 526 ha.

Theo lãnh đạo Dakruco, để thực hiện dự án này, trước mắt đơn vị đã từng bước rà soát để chuyển đổi diện tích cao su thanh lý tại Nông trường cao su Cư Bao. Tùy theo thổ nhưỡng từng vùng, đơn vị Công ty đã cho trồng chanh leo, chuối xen trong vườn cây ăn trái các loại giá trị cao như sầu riêng Mongthon, mít Thái siêu sớm…

Ông Nguyễn Trường Tam, Giám đốc Cư Bao cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, đến nay Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Dakruco đã thực hiện được 157,52 ha. Toàn bộ diện tích này được trồng sầu riêng, mít, chuối, chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, dự án cũng đã hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý điều hành, sản xuất, sơ chế, đóng gói tại đơn vị.

Ngoài ra, Công ty còn dành hơn 360ha để hợp đồng, hợp tác kinh doanh với hai đơn vị là Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống (chi nhánh Đắk Lắk) và Công ty TNHH Tuấn Hưng Tây Nguyên. Đây là các đơn vị chuyên sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã được cấp chúng chỉ của các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Việc hợp đồng, hợp tác này hướng đến việc sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ có giá trị kinh tế cao để hướng tới các thị trường "khó tính" trên thế giới.

Theo ông Tam Giám đốc Nông trường Cư Bao, máy móc, nhà xưởng, khu chế biến đều được công ty đầu tư đồng bộ theo công nghệ hiện đại. Để chủ động nguồn nước tưới, toàn bộ diện tích đang thực hiện dự án đã được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, bán tự động công nghệ Isarel. Công ty cũng xây dựng một bể chứa 35.000 m3 với trạm bơm đạt công suất 500 m3/h.

"Hiện Nông trường Cư Bao đã trồng được 123 ha chuối Nam Mỹ, 100 ha đã cho thu hoạch 1300 tấn. Diện tích chanh dây đạt 24,7 ha, sản lượng ước đạt 273 tấn. Các loại cây ăn trái khác như sầu riêng Mongthon (74 ha), mít Thái siêu sớm (50ha) dự tính sẽ bắt đầu có thu sau 2-3 năm tới. Nông sản sau thu hoạch được sơ chế, đóng gói tại chỗ. Chất lượng đầu ra các sản phẩm bước đầu được nhiều thị trường lớn trên thế giới tiếp nhận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, Singapore…"- ông Tam cho biết.

Hình thành chuỗi khép kín, nâng cao khả năng cạnh tranh

 
Để nâng cao khả năng cạnh tranh, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Dakruco được sản xuất khép kín có truy xuất nguồn gốc.

Ông Bùi Quang Ninh Tổng giám đốc Dakruco cho biết, Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của đơn vị bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Dự án cũng phù hợp với chủ trương của tỉnh và nhận được sự đồng thuận cao trong các cổ đông. Từ những kết quả khả quan từ dự án, trong giai đoạn 2020-2023, đơn vị sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng hơn 450 ha sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

Đồng thởi, để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, Dakruco đã thống nhất triển khai mô hình sản xuất khép kín và truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới, Dakruco tiếp tục hoàn tất hồ sơ đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP cho tất cả các sản phẩm.

Đặc biệt, Dakruco sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp, nâng cao năng lực nhận thức của người công nhân, góp phần hình thành chuỗi sản phẩm khép kín, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

 QUY TRÌNH KÉP KÍN TỪ VƯỜN VÀO KHU CHẾ BIẾN, ĐÓNG GÓI SẢN PHẨM

Phạm Ly - Báo NTNN