Trước xu thế phát triển bền vững là hướng đi tất yếu của việc phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường và thể hiện trách nhiệm đối với xã hội; phát triển cây cao su của Việt Nam và thế giới cũng đi theo xu hướng đó. Chính vì vậy, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk đã triển khai Chương trình phát triển cao su bền vững.
Trong những năm gần đây, ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm, các thị trường quan trọng của Cao su (đặc biệt các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật…) còn đòi hỏi những yêu cầu cao hơn về trách nhiệm môi trường và xã hội. Nhận thấy vấn đề đó, Công ty Cổ phần Cao Su Đắk Lắk đã ban hành và triển khai chương trình phát triển bền vững với một loạt các hoạt động đáp ứng với các nguyên tắc phát triển bền vững. Việc thực hiện quản lý rừng cao su bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình chứng chỉ quản lý rừng cao su bền vững. Nó sẽ giúp cho các sản phẩm mủ và gỗ cao su của công ty tiếp cận nhiều hơn các thị trường khó tính, nhưng luôn ổn định với giá cạnh tranh.
Hơn nữa, theo luật Lâm nghiệp năm 2017 và các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, để đủ cơ sở cho cấp chứng chỉ quản lý bền vững, chủ rừng cần phải có phương án quản lý bền vững. Phương án quản lý rừng bền vững được xem như là một công cụ quan trọng để chủ rừng thực hiện các hoạt động quản lý rừng theo các nguyên tắc của quản lý bền vững và thể hiện trách nhiệm của chủ rừng với xã hội và môi trường. Bằng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng cao su bền vững, Công ty Cổ phần Cao Su Đắk Lắk cam kết quản lý rừng cao su bền vững theo Tiêu chuẩn quản lý bền vững của Hội đồng Quản trị rừng thế giới nhằm đảm bảo phát triển bền vững trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
DAKRUCO đã có thời gian dài cho việc chuẩn bị và thực hiện đáp ứng các nguyên tắc của Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng FSC Quốc gia Việt Nam. Đến đầu năm 2024, Công ty đã tiến hành mời tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification VIETNAM tiến hành đánh giá bao gồm:
- Chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC (theo tiêu chuẩn FSC-STD-40-004 V3-1 FINAL);
- Hệ thống Quản lý rừng bền vững (Bộ tiêu chuẩn FSC-STD-VN-NTFP-01-2023).
Qua cuộc đánh giá, tổ chức chứng nhận đã đưa ra những điểm không phù hợp nhỏ và lớn mong muốn công ty khắc phục trong thời gian quy định. Sau thời gian triển khai các kế hoạch nhằm khắc phục các điểm không phù hợp được đưa ra trong cuộc đánh giá.
Công ty quyết tâm thực hiện theo đúng chủ trương của Hội đồng Quản trị đưa ra là sớm khắc phục các điểm không phù hợp để được cấp chứng nhận đối với 1.121,76 ha diện tích cao su tại Nông trường Phú Xuân và Nông trường 19/8.
Hết quý 2/2024, Công ty đã dần hoàn thiện các điểm không phù hợp thể hiện qua việc:
- Gắn bảng nhận diện đối với các vườn cây thực hiện chứng nhận quản lý rừng bền vững, khu vực có sự xuất hiện của các đàn chim di cư; khu vực thực hiện phục hồi sinh thái và trồng bổ sung nhằm đa dạng hệ sinh thái cây trồng tại vườn cây;
- Tổ chức tuyên truyền để người lao động, cộng đồng địa phương cũng như các đối tác trồng xen nắm bắt Chương trình FSC của công ty;
- Tham vấn ý kiến cộng đồng địa phương về việc nghiêm cấm các hoạt động chăn thả trâu, bò, dê… người vào lô cao su cắt cỏ, xả rác, đốt rác…
- Lập kế hoạch sử dụng các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu, bệnh, hại… không có tên trong danh mục cấm của FSC cũng như quy định của Việt Nam;
- Tiến hành đánh giá tác động tích cực/ tiêu cực của chúng đối với cây trồng của Công ty cũng như các khu vực lân cận; tác động đến người lao động và cộng đồng xung quanh trước khi đưa vào sử dụng (đã cập nhập lên Webside Công ty);
- Tiếp tục thực hiện việc theo dõi chim di cư khi thấy xuất hiện trên các vườn cao su;
- Đánh dấu tất cả các điểm xói mòn trên bản đồ vườn cây;
-Tại vườn cây của Nông trường 19/8, thực hiện trồng cây Sa nhân tại lô 30; trồng dặm các loại cây như Sao đen, Giáng hương, Cẩm lai trên các đồi đá lô 30,45,48 và bờ lô 30,50.
- Tại vườn cây Nông trường Phú Xuân, thực hiện trồng cây Dầu rái, Sao đen, Giáng hương, Cẩm lai tại Lô 31 (Kế hoạch đã ban hành); đồng thời trồng dặm, tiếp tục chăm sóc đối với khu vực trồng rừng năm 2023 tại lô 27.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
NT Phú Xuân: trồng cây rừng tại Lô 31 (Tháng 5/2024)
NT 19/8: trồng cây tại bờ lô, điểm xói mòn (Tháng 5/2024)
Thực hiện tham vấn tại địa phương (Tháng 3/2024)
Cây rừng trồng xen trong cao su, tháng 8/2023
Cây rừng trồng xen trong cao su, tháng 05/2024
Thực hiện cắm bảng nhận diện tại các lô cao su thực hiện chương trình cao su bền vững giai đoạn (2023 – 2027)
Chương trình phát triển cao su bền vững của công ty thực hiện theo từng giai đoạn. Giai đoạn 5 năm đầu tiên (2023 – 2027) nhằm cấp chứng chỉ cho 1.121,76 ha cao su tại 02 Nông trường (Phú Xuân và 19/8) giai đoạn này là nền tảng để công ty tiếp tục thực hiện cấp chứng chỉ cho 5.615,06ha thuộc diện tích còn lại của 02 nông trường (Phú Xuân và 19/8) và 03 nông trường còn lại gồm NT Cuôr Đăng, Cư Mgar, Cư Kpô.
Dựa trên những gì đã làm và đạt được trong các năm vừa qua, Dakruco tiếp tục thực hiện theo đúng Phương án quản lý rừng cao su bền vững đã đề ra nhằm đảm bảo phát triển bền vững trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Thanh Hương – P.QLCL