Toàn tỉnh hiện có trên 45.000 nữ CNVCLĐ (chiếm gần 57% tổng số CNVCLĐ). Đội ngũ nữ CNVCLĐ không ngừng phấn đấu, nỗ lực ở từng lĩnh vực, vị trí công tác, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ mọi mặt theo quy định và tích cực tham gia phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk trao tặng bò sinh sản cho công nhân lao động khó khăn trong Tháng Công nhân năm 2021. |
“Dù ở ngành nghề, vị trí công tác nào, nữ CNVCLĐ tỉnh luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những bông hoa “Hai giỏi”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Lý
|
Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở chuyên trách Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, hơn 13 năm qua, chị Nguyễn Kim Hoa đã phát huy vai trò trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Công tác ở đơn vị có trên 3.000 cán bộ, công nhân viên, trong đó hơn 60% là nữ, chị Hoa đã linh hoạt vận dụng các quy định trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, vừa cương quyết nhưng cũng mềm mỏng, khéo léo để thương lượng với người sử dụng lao động những nội dung có lợi hơn cho người lao động.
Sau khi tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của lao động, tình hình của công ty, chị chủ động làm việc trước với các phòng nghiệp vụ, trình bày, đề xuất bằng văn bản nhằm tạo sự đồng thuận trước khi báo cáo với tổng giám đốc.
Cách làm đó đã giúp Công đoàn cơ sở công ty thành công khi đưa được 5 nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định vào Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, lao động nữ của đơn vị được trợ cấp từ 20.000 - 30.000 đồng/người/tháng bù đắp thời gian nghỉ 30 phút/ngày trong những ngày "đặc thù" của nữ nhưng không được nghỉ; hỗ trợ thêm 2 tháng lương cơ sở cho lao động nữ sinh con thứ nhất và thứ hai; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Mái ấm công đoàn từ 200 – 400 triệu đồng/năm; hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm xã hội thuộc phần người lao động phải đóng trong thời gian tạm chờ nghỉ việc do thanh lý vườn cây, trồng mới...
Không chỉ cá nhân mà nhiều tổ chức công đoàn cũng đã có những cách làm hay, khơi dậy khí thế thi đua trong nữ CNVCLĐ. Chẳng hạn như Công đoàn ngành giáo dục tỉnh, với phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, trong 5 năm (2016 – 2020), đã có hơn 1.500 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của nữ cán bộ, giáo viên được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy và công tác; có 364 giáo viên nữ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…
Nữ CNVCLĐ ngành y tế tỉnh cũng luôn phấn đấu thực hiện phong trào thi đua “Lương y như từ mẫu”, phát huy tinh thần trách nhiệm trong từng vị trí, nhiệm vụ được phân công, sẵn sàng tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M'Drắk) hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc trong môn Tiếng Việt. |
Xác định “đảm việc nhà” là cơ sở, tiền đề, động lực thúc đẩy chị em “giỏi việc nước”, nữ CNVCLĐ đã sắp xếp công việc khoa học, dành thời gian chăm lo, xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái. Giỏi giang việc nước, chu toàn việc nhà, nhiều chị đã trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.
Trong 10 năm qua (2010 – 2020), toàn tỉnh có 20.784 lượt sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học của CNVCLĐ nữ được áp dụng vào quá trình công tác, sản xuất, quản lý kinh tế, cải cách hành chính, đem lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 15.000 lượt chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Hằng năm có trên 90% nữ CNVCLĐ được công nhận đạt tiêu chuẩn “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Lý đánh giá: Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã tạo động lực thúc đẩy thi đua lao động sản xuất. Vai trò, vị trí, năng lực của nữ CNVCLĐ ngày càng được phát huy, đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Xuân
Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử